logo

Cách quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả

Người đăng: Gato

23/04/2025

Giữa nhịp sống hiện đại với hàng loạt khoản chi tiêu lớn nhỏ mỗi ngày, việc quản lý chi tiêu cá nhân không chỉ giúp bạn kiểm soát dòng tiền mà còn là nền tảng để xây dựng sự ổn định và chủ động về tài chính. Trong bài viết này, Ngân hàng số Cake by VPBank sẽ đồng hành cùng bạn khám phá lý do vì sao quản lý chi tiêu là một kỹ năng thiết yếu và gợi ý những phương pháp đơn giản, hiệu quả để bạn từng bước làm chủ ngân sách cá nhân.

Quản lý chi tiêu cá nhân là gì?

Quản lý chi tiêu cá nhân là quá trình theo dõi, kiểm soát và điều chỉnh các khoản tiền mà một cá nhân chi ra trong một khoảng thời gian nhất định (thường là hàng tháng). Khác với việc lập kế hoạch tài chính tổng thể, quản lý chi tiêu tập trung vào những lựa chọn rất cụ thể trong đời sống thường ngày: mua gì hôm nay, tiết kiệm bao nhiêu mỗi tháng và đâu là khoản chi khiến bạn “rỗng ví” bất ngờ.

Quản lý chi tiêu không đặt nặng việc phải tiết kiệm thật nhiều, mà tập trung vào việc giữ cho đồng tiền đi đúng hướng, hạn chế chi tiêu tùy hứng, và đảm bảo bạn vẫn còn ngân sách cho những mục tiêu quan trọng hơn phía trước. Đây là kỹ năng nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến sự ổn định tài chính trong cuộc sống hằng ngày.

quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-1.jpg

Quản lý chi tiêu cá nhân là việc bạn biết rõ tiền của mình đi đâu, chi tiêu cho những gì (Nguồn: Sưu tầm)

Tư duy đúng về quản lý chi tiêu: Không phải là cắt giảm, mà là chủ động

Nhiều người thường nhầm lẫn rằng quản lý chi tiêu đồng nghĩa với việc phải thắt chặt, hy sinh và cắt giảm mọi khoản chi không thiết yếu. Thực tế, quản lý chi tiêu hiệu quả không bắt buộc bạn phải từ bỏ cà phê sáng, bữa ăn ngoài hay món đồ yêu thích mà quan trọng hơn là biết rõ đâu là ưu tiên và tiêu tiền đúng với nhu cầu thực sự.

Tư duy cốt lõi ở đây là sự chủ động. Chủ động lập giới hạn chi tiêu cho từng nhóm nhu cầu. Chủ động trích trước một khoản để tiết kiệm, thay vì tiêu hết rồi mới nghĩ đến chuyện tích lũy. Chủ động lựa chọn tiêu cho điều gì mang lại giá trị lâu dài, thay vì bị cuốn theo cảm xúc hay xu hướng.

Một người quản lý chi tiêu tốt không phải là người tiêu ít nhất, mà là người biết tiêu bao nhiêu là đủ và tiêu với mục đích rõ ràng. Khi thay đổi góc nhìn từ “cắt giảm” sang “chủ động”, bạn sẽ thấy việc kiểm soát chi tiêu không còn nặng nề, mà trở thành công cụ giúp bạn sống thoải mái hơn, thông minh hơn với đồng tiền mình làm ra.

quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-2.jpg

Quản lý chi tiêu không phải để thắt lưng buộc bụng, mà để bạn chủ động sống thoải mái và thông minh hơn với đồng tiền mình có (Nguồn: Sưu tầm)

Trắc nghiệm: “Bạn thuộc kiểu tiêu tiền nào? Và nên quản lý ra sao?”

Trả lời 6 câu hỏi trắc nghiệm, cộng điểm theo lựa chọn A–B–C–D, sau đó tra kết quả để biết kiểu chi tiêu của bạn.

Cách chấm điểm: Với mỗi câu, chọn phương án A, B, C, hoặc D

Ghi lại điểm tương ứng:

A = 1 điểm

B = 2 điểm

C = 3 điểm

D = 4 điểm

Tổng điểm tối đa: 24 điểm (6 câu)

Câu hỏi:

1. Khi có khoản tiền bất ngờ (thưởng, trúng số nhỏ...) bạn sẽ?

A. Mua ngay thứ mình thích

B. Gửi tiết kiệm

C. Chia đôi: một phần tiêu – một phần giữ

D. Cân nhắc thật lâu, chưa biết dùng làm gì

2. Bạn kiểm tra tài khoản cá nhân...

A. Rất ít, chỉ khi cần chuyển khoản

B. Gần như mỗi ngày

C. Theo tuần hoặc lúc gần hết tháng

D. Kiểm tra xong lại… lo

3. Khi tiêu tiền, bạn...

A. Dễ bị cám dỗ bởi khuyến mãi

B. Chỉ tiêu nếu đã có kế hoạch

C. Cũng tuỳ – đôi lúc “bung nóc”

D. Luôn băn khoăn trước & sau khi mua

4. Bạn ghi lại chi tiêu thế nào?

A. Không ghi – ngại

B. Ghi đều và chi tiết

C. Lâu lâu mới ghi

D. Ghi nhưng không xem lại bao giờ

5. Tiêu tiền để...?

A. Vui, tận hưởng

B. Phục vụ mục tiêu tài chính

C. Vừa vui vừa hợp lý

D. Không biết – đôi khi tiêu để đỡ áp lực

6. Bạn cảm thấy gì về tiền bạc?

A. Cứ có là tiêu

B. Là công cụ quan trọng cần kiểm soát

C. Vừa là phần thưởng vừa là gánh nặng

D. Lo âu vì cảm thấy mình chưa kiểm soát tốt

Tính điểm: Tổng số điểm = … / 24

KẾT QUẢ: Bạn thuộc kiểu chi tiêu nào?

6–9 điểm → Người tiêu vì cảm xúc

Bạn thường chi tiền theo cảm hứng, dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo, khuyến mãi hay áp lực xã hội. Điều này khiến bạn khó tiết kiệm hoặc kiểm soát dòng tiền.

10–14 điểm → Người chi tiêu có kế hoạch nhưng thiếu đều đặn

Bạn có ý thức tiết kiệm, nhưng chưa duy trì thường xuyên hoặc dễ bị ngắt quãng bởi cảm xúc và các nhu cầu phát sinh.

15–19 điểm → Người tiêu dùng linh hoạt

Bạn là người biết cân bằng giữa nhu cầu và mục tiêu tài chính. Dù vẫn còn đôi chút cảm tính, nhưng bạn đang đi đúng hướng trong quản lý tài chính.

20–24 điểm → Người cẩn trọng (hoặc lo lắng) quá mức

Bạn luôn suy nghĩ nhiều trước khi tiêu, đôi khi đến mức gây căng thẳng cho chính mình. Dù có ý thức tài chính cao, bạn cần thư giãn hơn trong chi tiêu.

Những phương pháp quản lý chi tiêu phổ biến

Dưới đây là những phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân phổ biến, được áp dụng rộng rãi nhờ tính đơn giản và linh hoạt:

  • Quy tắc 50/30/20: Phân bổ thu nhập thành 50% chi phí thiết yếu, 30% chi tiêu cá nhân và 20% tiết kiệm/đầu tư.
  • Phương pháp 6 chiếc lọ: Chia tiền thành 6 quỹ gồm nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm dài hạn, đầu tư, giáo dục, hưởng thụ và từ thiện.
  • Sổ chi tiêu Kakeibo (Nhật Bản): Ghi chép chi tiêu theo nhóm và tự đặt câu hỏi để điều chỉnh hành vi tiêu dùng.
  • Sử dụng phong bì: Chia tiền mặt vào các phong bì theo từng mục đích chi tiêu để tránh vượt ngân sách.
  • Quản lý bằng app hoặc Excel: Ghi chú và theo dõi chi tiêu qua bảng tính hoặc ứng dụng tài chính như Cake by VPBank, Money Lover, sổ thu chi điện tử…

Tuỳ vào phong cách sống và mức độ kỷ luật cá nhân, bạn có thể kết hợp linh hoạt các phương pháp trên để xây dựng thói quen chi tiêu thông minh, phù hợp với mình.

5 cách quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả bạn nên biết

Quản lý chi tiêu cá nhân không còn là nỗi lo nếu bạn nắm vững 5 cách đơn giản mà hiệu quả sau đây.

Pay yourself first – Tiết kiệm trước, chi tiêu sau

Nguyên tắc Pay yourself first là ưu tiên việc tiết kiệm trước khi nghĩ đến các khoản chi tiêu khác. Thay vì đợi đến cuối tháng xem còn bao nhiêu tiền mới bắt đầu tiết kiệm, hãy chủ động trích ra trước một khoản cố định ngay khi vừa nhận lương dù là 500.000 hay 5.000.000 VNĐ.

Ngay khi nhận được lương, hãy tự động chuyển một khoản tiền cố định vào một tài khoản tiết kiệm riêng biệt. Khoản tiền này có thể là một tỷ lệ phần trăm nhất định từ thu nhập của bạn, ví dụ 10%, 15% hoặc cao hơn tùy thuộc vào mục tiêu tài chính.

Ví dụ: Chị B nhận lương 15 triệu đồng vào ngày 5 hàng tháng. Ngay lập tức, chị B thiết lập chế độ tự động chuyển 2 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm online. 13 triệu đồng còn lại sẽ được chị B phân bổ cho các chi phí khác trong tháng. Bằng cách này, chị B đảm bảo mình luôn có một khoản tiết kiệm đều đặn trước khi bắt đầu chi tiêu.

Để việc tiết kiệm hiệu quả, các bạn có thể tham khảo 2 sản phẩm tiết kiệm của Ngân hàng số Cake by VPBank gồm Tiền gửi tiêu chuẩn và Tiền gửi tích lũy. Cụ thể như sau:

  • Tiền gửi tiêu chuẩn: Là hình thức tiết kiệm truyền thống mang lại mức lãi suất cạnh tranh và kỳ hạn linh hoạt từ 1 đến 36 tháng. Khách hàng có thể lựa chọn nhiều phương thức nhận lãi như đầu kỳ, cuối kỳ, hàng tháng hoặc hàng quý, tùy theo nhu cầu sử dụng vốn. Một điểm cộng nổi bật là sản phẩm này cho phép rút trước hạn một phần tiền gốc khi phát sinh nhu cầu, trong khi phần tiền còn lại vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức cam kết ban đầu.
  • Tiền gửi tích lũy: Phù hợp với những ai đang hướng đến các mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, lập quỹ giáo dục, quỹ dự phòng hay đơn giản là xây dựng thói quen tiết kiệm bền vững. Khách hàng có thể gửi tiền nhiều lần chỉ từ 100.000 VNĐ/lần, và dễ dàng thiết lập tính năng tự động trích tiền từ tài khoản thanh toán theo ngày, tuần hoặc tháng. Đây là lựa chọn lý tưởng giúp bạn tích lũy đều đặn, không áp lực, nhưng vẫn tối ưu hiệu quả tài chính theo thời gian.
quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-3.jpg

Thực hiện cách quản lý chi tiêu “Pay yourself first” hiệu quả với sản phẩm Tiền gửi tiêu chuẩn và Tiền gửi tích lũy của Cake by VPBank (Nguồn: Cake by VPBank)

Tư duy “chi tiêu theo giá trị”

Trong thời đại mà bạn luôn bị bao quanh bởi các chương trình giảm giá, quảng cáo hấp dẫn và những so sánh vô hình trên mạng xã hội, việc chi tiêu theo giá trị là một cách lọc lại ưu tiên của chính bạn.

Chi tiêu theo giá trị không có nghĩa là tiêu ít đi, mà là tiêu có chủ đích hơn, tức là bạn chọn chi cho những điều thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống, cảm xúc hoặc hiệu quả cá nhân. Thay vì hỏi “món này có rẻ không?”, hãy tự hỏi “món này có thực sự đáng với số tiền mình bỏ ra không?” Hãy loại bỏ những khoản chi tiêu xuất phát từ sự so sánh với người khác, những trào lưu nhất thời (FOMO - Fear Of Missing Out), hoặc đơn giản chỉ là thói quen không suy nghĩ.

Ví dụ: Bạn có thể chọn uống cà phê 50.000 VNĐ mỗi ngày nếu đó là thức uống giúp bạn làm việc hiệu quả, thay vì mua thêm 3 chiếc áo đang sale 70% chỉ vì “giá hời” – trong khi tủ đồ đã quá tải.

quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-4.jpg

Hãy chi tiêu vào những điều thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống, cảm xúc hoặc hiệu quả cá nhân của bạn (Nguồn: Sưu tầm)

Linh hoạt với các phương pháp quản lý chi tiêu 50/30/20, 6 chiếc lọ

Không có một công thức quản lý chi tiêu nào phù hợp với tất cả mọi người. Hãy linh hoạt áp dụng các phương pháp phổ biến như 50/30/20 hoặc 6 chiếc lọ, điều chỉnh chúng cho phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và gia đình bạn. Đừng cố gắng tuân thủ một cách máy móc nếu điều đó khiến bạn cảm thấy gò bó và dễ bỏ cuộc.

  • Quy tắc 50/30/20: 50% cho chi phí thiết yếu, 30% cho chi tiêu cá nhân, 20% để tiết kiệm/đầu tư.
  • Phương pháp 6 chiếc lọ: Chia thu nhập thành 6 quỹ để phục vụ các mục tiêu khác nhau.
  • Hoặc đơn giản hơn là ghi lại chi tiêu theo 3 nhóm: Thiết yếu – Chi cá nhân – Dự phòng.

Ví dụ: Gia đình chị D có thu nhập 20 triệu đồng. Thay vì cứng nhắc chia theo 50/30/20, họ nhận thấy chi phí thuê nhà ở thành phố đã chiếm gần 60% thu nhập. Họ quyết định điều chỉnh thành 60% cho thiết yếu, 20% cho chi tiêu cá nhân và 20% cho tiết kiệm. Quan trọng là họ đã ghi lại chi tiêu theo 3 nhóm này một cách đơn giản để dễ theo dõi và điều chỉnh khi cần.

Nguyên tắc “1 vào – 1 ra” (One in – One out)

Đây là một nguyên tắc đơn giản nhưng hiệu quả để kiểm soát việc mua sắm và tránh tích trữ những thứ không cần thiết. Mỗi khi bạn muốn mua một món đồ mới (đặc biệt là các vật dụng cá nhân như quần áo, giày dép, sách vở), hãy tự đặt ra quy tắc phải loại bỏ một món đồ tương tự đang có.

Nguyên tắc này buộc bạn phải suy nghĩ kỹ hơn về việc mua món đồ mới, liệu nó có thực sự cần thiết và bạn có sẵn lòng “chia tay” với một món đồ cũ tương tự hay không. Nó giúp bạn duy trì một không gian sống gọn gàng và tránh lãng phí tiền bạc vào những thứ không thực sự sử dụng.

Ví dụ: Trước khi mua chiếc áo sơ mi mới, hãy nhìn lại tủ đồ và loại bỏ một chiếc bạn không mặc trong 6 tháng qua. Việc này giúp bạn cân nhắc kỹ hơn khi chi tiền, tránh tích đồ thừa và đặc biệt phù hợp với những ai dễ “vung tay” khi thấy đồ đẹp, giá tốt.

quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-5.jpg

Nguyên tắc 1 vào – 1 ra buộc bạn phải suy nghĩ kỹ hơn về việc mua món đồ mới, liệu nó có thực sự cần thiết (Nguồn: Sưu tầm

Hình thành thói quen quản lý chi tiêu

Quản lý chi tiêu hiệu quả không phải là một hành động nhất thời mà là một quá trình xây dựng những thói quen tốt theo thời gian. Dưới đây là 5 thói quen đơn giản bạn có thể bắt đầu ngay hôm nay:

  • Kiểm tra tài khoản mỗi sáng (1 phút): Nhanh chóng xem qua số dư tài khoản và các giao dịch gần nhất để nắm bắt tình hình tài chính hiện tại.
  • Ghi khoản chi lớn hơn 500 nghìn đồng vào một file riêng: Việc này giúp bạn dễ dàng theo dõi những khoản chi tiêu đáng kể và xem xét liệu chúng có hợp lý hay không.
  • Đặt mục tiêu không tiêu 1 ngày mỗi tuần: Chọn ra một ngày trong tuần bạn cố gắng không phát sinh bất kỳ chi phí nào (trừ những khoản bắt buộc đã lên kế hoạch).
  • Mỗi tháng tự hỏi: Chi tiêu tháng này nói gì về mình? Dành thời gian suy ngẫm về thói quen chi tiêu trong tháng vừa qua. Bạn đã ưu tiên những gì? Có điều gì bạn muốn thay đổi trong tháng tới?
  • Dành 5 phút/tuần review & chỉnh ngân sách: Xem lại ngân sách đã lập và điều chỉnh nếu cần thiết dựa trên tình hình thực tế và các mục tiêu tài chính.

Quản lý chi tiêu cá nhân hiệu quả là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì và ý thức. Bằng cách áp dụng những nguyên tắc và hình thành những thói quen đơn giản trên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt hơn dòng tiền của mình, hướng tới sự ổn định tài chính và đạt được những mục tiêu đã đề ra trong tương lai. Hãy bắt đầu ngay hôm nay và bạn sẽ thấy những thay đổi tích cực theo thời gian!

Nếu bạn đang tìm kiếm công cụ hỗ trợ đơn giản, an toàn và tiện lợi – hãy thử các sản phẩm tiết kiệm thông minh như Tiền gửi tiêu chuẩn và Tiền gửi tích lũy của Ngân hàng số Cake by VPBank. Với tính năng chia mục tiêu tiết kiệm linh hoạt, cài đặt gửi tiền định kỳ và theo dõi tài chính ngay trên app, Cake by VPBank là lựa chọn đáng tin cậy để bạn bắt đầu hành trình kiểm soát chi tiêu cá nhân một cách hiệu quả và bền vững.