Quy tắc 6 chiếc lọ giúp quản lý tài chính thông minh, hiệu quả
Người đăng: Gato
23/04/2025
* Bài viết chỉ mang tính chất cung cấp thông tin khách quan, không phải là lời khuyên tài chính.
Việc đạt được tự do tài chính không chỉ phụ thuộc vào mức thu nhập mà còn ở khả năng quản lý chi tiêu hiệu quả. Nếu bạn đang loay hoay tìm giải pháp để kiểm soát tài chính cá nhân mà vẫn chưa thấy hướng đi phù hợp, quy tắc 6 chiếc lọ tài chính chính là công cụ bạn nên thử. Cùng Ngân hàng số Cake by VPBank khám phá phương pháp đơn giản nhưng cực kỳ thực tiễn này để từng bước xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai!
Quy tắc 6 chiếc lọ là gì?
Quy tắc 6 chiếc lọ là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân nổi tiếng do chuyên gia tài chính T. Harv Eker phát triển. Nguyên lý cốt lõi của quy tắc này là chia thu nhập hàng tháng thành 6 phần riêng biệt, tương ứng với 6 mục đích sử dụng khác nhau. Mỗi “chiếc lọ” đóng vai trò như một tài khoản chi tiêu chuyên biệt, giúp cá nhân chủ động kiểm soát dòng tiền, cân đối chi tiêu, đồng thời vẫn đảm bảo tích lũy và đầu tư cho tương lai một cách hiệu quả.
Lọ 1: Nhu cầu thiết yếu (Necessities – 55% thu nhập)
Nhu cầu thiết yếu (Necessities –NEC) là khoản chi dành cho những nhu cầu cơ bản nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn uống, nhà ở, điện nước, xăng xe, hóa đơn và các chi phí sinh hoạt bắt buộc khác. Đây là nhóm chi tiêu không thể thiếu để duy trì cuộc sống ổn định.
Theo quy tắc 6 chiếc lọ, quỹ NEC nên chiếm tối đa 55% tổng thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng vượt ngưỡng này do thói quen chi tiêu theo cảm xúc hoặc chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng, dẫn đến mất cân bằng trong dài hạn. Việc tuân thủ đúng tỷ lệ này sẽ giúp bạn duy trì một ngân sách hợp lý, đảm bảo cuộc sống hiện tại mà vẫn còn nguồn lực cho các mục tiêu tài chính khác.
NEC – 55% thu nhập là khoản chi dành cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống (Nguồn: Sưu tầm)
Lọ 2: Tiết kiệm dài hạn (Long-term Savings – 10% thu nhập)
Long-term Savings (LLSS) là khoản quỹ dành riêng cho các mục tiêu tài chính lớn trong tương lai như mua nhà, mua xe, lập gia đình hoặc chuẩn bị cho kế hoạch sinh con. Với tính chất dài hạn và cần nguồn vốn đáng kể, lọ LTSS đóng vai trò như nền tảng tích lũy bền vững, đòi hỏi bạn phải bắt đầu từ sớm và duy trì đều đặn theo thời gian. Việc dành ra 10% thu nhập mỗi tháng cho quỹ này sẽ giúp bạn chủ động trong việc chuẩn bị các cột mốc quan trọng mà không bị động về tài chính.
Với 10% thu nhập mỗi tháng, bạn có thể tham khảo sản phẩm Tiền gửi tích lũy tại Ngân hàng số Cake by VPBank – một giải pháp tiết kiệm linh hoạt, dễ bắt đầu. Chỉ từ 100.000 VNĐ/lần gửi, bạn có thể nạp tiền nhiều lần và thiết lập tính năng tự động trích tiền từ tài khoản theo ngày, tuần hoặc tháng. Nhờ cơ chế tiết kiệm đều đặn và không áp lực, sản phẩm này không chỉ giúp bạn chủ động xây dựng nền tảng tài chính vững vàng, mà còn hình thành thói quen tích lũy bền vững, hướng tới các mục tiêu lớn trong tương lai.
Sản phẩm tiền gửi tích lũy của Ngân hàng số Cake by VPBank giúp bạn hoàn thành những mục tiêu tài chính (Nguồn: Cake by VPBank)
Lọ 3: Tự do tài chính (Financial Freedom – 10% thu nhập)
Quỹ Financial Freedom (FFA) được thiết lập với mục tiêu xây dựng nguồn thu nhập thụ động vững chắc trong tương lai, giúp bạn dần đạt được trạng thái tự chủ tài chính mà không còn phụ thuộc hoàn toàn vào công việc hiện tại. Việc trích 10% thu nhập hàng tháng vào quỹ này chính là bước đi chiến lược để tạo ra dòng tiền bền vững, phục vụ cho cuộc sống thoải mái, ổn định lâu dài.
Bạn có thể sử dụng quỹ FFA để đầu tư vào các kênh sinh lời như: gửi tiết kiệm dài hạn, mua vàng, chứng khoán, bất động sản, hoặc góp vốn vào các mô hình kinh doanh tiềm năng. Mỗi khoản đầu tư từ quỹ này nên được cân nhắc kỹ lưỡng để vừa bảo toàn vốn, vừa tối ưu hóa khả năng sinh lời theo thời gian.
FFA được thiết lập với mục tiêu xây dựng nguồn thu nhập thụ động vững chắc (Nguồn: Sưu tầm)
Lọ 4: Giáo dục (Education – 10% thu nhập)
Giáo dục là khoản ngân sách được phân bổ để đầu tư vào tri thức và phát triển bản thân - một trong những yếu tố cốt lõi giúp nâng cao giá trị cá nhân và thu nhập trong tương lai. Mặc dù chỉ chiếm 10% thu nhập hàng tháng, nhưng quỹ này đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện kỹ năng nghề nghiệp, mở rộng tư duy và thích ứng với những thay đổi trong môi trường sống và công việc.
Bạn có thể sử dụng khoản này để tham gia các khóa học chuyên môn, mua sách, học ngoại ngữ hoặc tham dự các hội thảo chia sẻ kiến thức. Đầu tư cho giáo dục không chỉ là nâng cấp bản thân, mà còn là cách gián tiếp tăng khả năng thu nhập bền vững trong dài hạn.
Lọ 5: Hưởng thụ – (PLAY – 10% thu nhập)
Trong quy tắc 6 chiếc lọ, Hưởng thụ (PLAY - 10% thu nhập) là quỹ tài chính được thiết lập nhằm phục vụ cho nhu cầu tận hưởng cuộc sống và tạo ra sự cân bằng về tinh thần. Với 10% thu nhập hàng tháng, bạn có thể thoải mái sử dụng cho các hoạt động giải trí, mua sắm, làm đẹp, du lịch hoặc bất kỳ trải nghiệm cá nhân nào mang lại cảm giác hạnh phúc và thư giãn.
Đây là khoản chi tiêu bắt buộc nên được sử dụng thường xuyên để giúp bạn giải tỏa áp lực, tái tạo năng lượng và từ đó nâng cao hiệu suất làm việc cũng như khả năng tạo ra thu nhập mới. Việc dành riêng quỹ PLAY cũng giúp bạn kiểm soát thói quen chi tiêu theo cảm xúc một cách hợp lý, không ảnh hưởng đến các mục tiêu tài chính dài hạn.
Trích 10% thu nhập hàng tháng để sử dụng cho các hoạt động giải trí, mua sắm (Nguồn: Sưu tầm)
Lọ 6: Từ thiện – (Give – 5% Thu nhập)
Dù chỉ chiếm 5% thu nhập hàng tháng, nhưng khoản chi này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc và giá trị nhân văn trong mỗi cá nhân. Bạn có thể sử dụng quỹ GIVE để ủng hộ các tổ chức từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè gặp khó khăn hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù không tạo ra doanh thu trực tiếp, nhưng việc cho đi đúng cách sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc, nuôi dưỡng lòng biết ơn và nâng cao bản sắc cá nhân - những yếu tố gián tiếp giúp bạn xây dựng một cuộc sống bền vững cả về tài chính lẫn tinh thần.
Ví dụ cách áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ với thu nhập 7 triệu
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 mức thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam đạt khoảng 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6% so với năm trước. Với con số gần sát mức trung bình này, hãy cùng Cake by VPBank áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ tài chính vào mức thu nhập thực tế là 7 triệu đồng để hình dung rõ hơn cách quản lý chi tiêu hiệu quả:
- Lọ 1 – Nhu cầu thiết yếu (NEC – 55%): 3.850.000 VNĐ – Dùng để chi trả các khoản thiết yếu như ăn uống, nhà ở, điện nước, đi lại,...
- Tiền thuê trọ (ở ghép) đã bao gồm điện nước: 1.800.000 VNĐ
- Tiền ăn uống: 1.500.000 VNĐ
- Tiền xăng xe đi lại: 500.000 VNĐ
- Lọ 2 – Tiết kiệm dài hạn (LTS – 10%): 700.000 VNĐ – Phục vụ các mục tiêu dài hạn như mua nhà, xe, lập gia đình.
- Lọ 3 – Giáo dục (EDU – 10%): 700.000 VNĐ – Dành cho phát triển bản thân: học kỹ năng mới, mua sách, học ngoại ngữ...
- Lọ 4 – Hưởng thụ (PLAY – 10%): 700.000 VNĐ – Chi cho du lịch, ăn uống, giải trí hoặc các trải nghiệm yêu thích.
- Lọ 5 – Tự do tài chính (FFA – 10%): 700.000 VNĐ – Góp vào quỹ đầu tư, tiết kiệm tạo nguồn thu nhập thụ động.
- Lọ 6 – Từ thiện (GIVE – 5%): 350.000 VNĐ – Chia sẻ với người khó khăn, hoặc hỗ trợ người thân, bạn bè khi cần.
Dù thu nhập không quá cao, việc phân bổ rõ ràng theo nguyên tắc này sẽ giúp bạn chủ động kiểm soát dòng tiền, hướng tới cuộc sống tài chính ổn định và phát triển bền vững hơn mỗi ngày.
Phân bổ rõ ràng theo nguyên tắc 6 chiếc lọ sẽ giúp bạn chủ động kiểm soát dòng tiền (Nguồn: Sưu tầm)
Biến thể của quy tắc 6 chiếc lọ - Điều chỉnh linh hoạt theo thu nhập và hoàn cảnh cá nhân
Quy tắc 6 chiếc lọ giúp người dùng phân chia thu nhập thành 6 phần với mục đích chi tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai cũng phù hợp với tỷ lệ 55–10–10–10–10–5 gốc. Nhiều người đã linh hoạt điều chỉnh để phù hợp hơn với thu nhập, mục tiêu sống hoặc giai đoạn tài chính của bản thân. Dưới đây là một số biến thể phổ biến và thực tế của quy tắc này:
- Biến thể theo mục tiêu cụ thể: Thay vì chia tiền theo chức năng chung như “Nhu cầu thiết yếu” hay “Hưởng thụ”, bạn có thể đặt tên cho từng lọ theo mục tiêu tài chính cá nhân như lọ “Mua nhà”, lọ “Du lịch”, lọ “Đầu tư dài hạn”, lọ “Giáo dục con cái”, lọ “Quỹ khẩn cấp”, lọ “Chi tiêu cố định”. Việc đặt tên theo mục tiêu giúp bạn tiết kiệm có định hướng rõ ràng và dễ duy trì hơn.
- Biến thể đơn giản hóa (ít hơn 6 lọ): Phù hợp với người mới bắt đầu hoặc muốn quản lý đơn giản, ví dụ lọ “Chi tiêu thiết yếu”, lọ “Tiết kiệm & Đầu tư”, lọ “Hưởng thụ cá nhân” (có thể bao gồm từ thiện), lọ “Quỹ khẩn cấp”. Biến thể này giúp bạn dễ theo dõi, nhưng có thể thiếu độ chi tiết nếu tài chính phức tạp.
- Biến thể chi tiết hóa (nhiều hơn 6 lọ): Dành cho những ai thích kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, bằng cách tách nhỏ các danh mục như lọ “Nhu cầu thiết yếu” → thuê nhà, ăn uống, đi lại, điện nước, lọ “Hưởng thụ” → giải trí, mua sắm cá nhân, ăn uống ngoài. Mức độ chi tiết cao giúp bạn nhận diện thói quen chi tiêu rõ ràng hơn.
- Biến thể linh hoạt theo hoàn cảnh sống: Tỷ lệ phần trăm mỗi lọ có thể thay đổi theo thu nhập tăng/giảm, giai đoạn cuộc sống (độc thân, có con nhỏ, chuẩn bị nghỉ hưu).
- Biến thể ưu tiên trả nợ: Với những người có khoản vay, nên bổ sung lọ “Trả nợ” và ưu tiên phân bổ ngân sách cao hơn để giảm áp lực tài chính. Khi nợ giảm dần, bạn có thể điều chỉnh lại tỷ lệ và quay về mô hình cân bằng.
Lợi ích lâu dài khi áp dụng quy tắc 6 lọ
Quy tắc 6 chiếc lọ mang lại nhiều lợi ích lâu dài, cụ thể như sau:
- Quản lý chi tiêu hiệu quả: Quy tắc này giúp bạn phân chia thu nhập thành các phần cụ thể cho từng mục đích, từ đó dễ dàng theo dõi và kiểm soát chi tiêu. Bạn sẽ hạn chế được tình trạng chi vượt mức, đồng thời đảm bảo rằng các nhu cầu thiết yếu luôn được đáp ứng đầy đủ.
- Hướng tới mục tiêu tài chính dài hạn: Bằng cách dành một phần thu nhập cho quỹ tiết kiệm dài hạn hoặc quỹ giáo dục, bạn có thể tích lũy tài sản và đầu tư cho tương lai. Điều này không chỉ giúp bạn đạt được các mục tiêu lớn như mua nhà hay học lên cao mà còn tạo nền tảng tài chính vững chắc về lâu dài.
- Tăng cường tự do tài chính: Khi áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ, bạn sẽ hình thành thói quen xây dựng quỹ tự do tài chính, giúp bạn sống thoải mái hơn mà không hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập từ công việc chính. Đây cũng là bước đệm quan trọng để bạn có thể bắt đầu đầu tư và phát triển tài sản cá nhân.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống: Việc phân bổ ngân sách cho các hoạt động hưởng thụ và cho đi không chỉ giúp bạn duy trì sự cân bằng trong cuộc sống mà còn nâng cao tinh thần và cảm giác hạnh phúc mỗi ngày, góp phần tích cực vào sức khỏe tài chính lẫn cảm xúc của bạn.
- Giảm áp lực tài chính: Khi có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng cùng các quỹ dự phòng cần thiết, bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn trong quá trình quản lý tài chính cá nhân, giúp giảm bớt căng thẳng và áp lực liên quan đến tiền bạc, đặc biệt là trong những tình huống bất ngờ.
Quy tắc 6 chiếc lọ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn trong việc quản lý tài chính cá nhân (Nguồn: Sưu tầm)
Dù mức thu nhập hiện tại của bạn là bao nhiêu, quy tắc 6 chiếc lọ vẫn luôn là công cụ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả và bền vững. Việc phân bổ dòng tiền hợp lý sẽ giúp bạn tiến gần hơn tới mục tiêu tự do tài chính. Hãy bắt đầu áp dụng từ hôm nay để xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai!
Và nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp tiết kiệm thông minh, an toàn và linh hoạt, hãy trải nghiệm gửi tiết kiệm online tại Ngân hàng số Cake by VPBank - lãi suất cạnh tranh, thao tác dễ dàng, bảo mật tối ưu!