logo

Lãi suất là gì? Phân biệt lãi và lãi suất, các loại lãi suất phổ biến

Người đăng: Gato

15/04/2025

* Nội dung trong bài viết là thông tin được tổng hợp khách quan trên thị trường, không phải là lời khuyên đầu tư.

Lãi suất là một trong những khái niệm cơ bản nhưng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Dù bạn đang gửi tiết kiệm, vay vốn, hay đầu tư, lãi suất luôn là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền bạn nhận được hoặc phải chi trả. Việc hiểu rõ khái niệm lãi suất, các loại lãi suất phổ biến và cách tính lãi sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tài chính đúng đắn và tối ưu hơn trong quá trình quản lý tiền bạc cá nhân. Hãy cùng Cake by VPBank tìm hiểu chi tiết lãi suất là gì trong bài viết dưới đây.

 

Lãi suất là gì?

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm được tính trên số tiền gửi hoặc tiền cho vay, thể hiện khoản chi phí mà người vay hoặc đơn vị nhận tiền gửi phải thanh toán cho người cho vay hoặc người gửi tiền trong một khoảng thời gian thỏa thuận, thường tính theo tháng hoặc năm. Các bên tham gia có thể là cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính như ngân hàng.

Chẳng hạn, nếu bạn gửi tiền tiết kiệm, lãi suất chính là phần tiền lãi mà bạn nhận được từ ngân hàng. Ngược lại, nếu bạn vay tiền, lãi suất là số tiền bạn phải trả thêm cho ngân hàng bên cạnh số tiền gốc đã vay.

 

lai-suat-la-gi-1.jpg

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm số tiền lãi nhận được hoặc phải trả so với số tiền ban đầu (Nguồn: Sưu tầm)

Lãi và lãi suất khác nhau như thế nào?

Hai khái niệm “lãi” và “lãi suất” thường được sử dụng đồng thời trong các giao dịch tài chính, nên dễ khiến nhiều người nhầm lẫn. Tuy nhiên, đây là hai thuật ngữ hoàn toàn khác nhau.

  • Lãi: Là số tiền cụ thể mà bạn nhận được (nếu gửi tiết kiệm) hoặc phải trả thêm (nếu vay tiền) sau một khoảng thời gian. Lãi được tính dựa trên số tiền gốc và lãi suất theo thời gian.
  • Lãi suất: Là tỷ lệ phần trăm được sử dụng để tính ra số tiền lãi trên số vốn ban đầu.

Ví dụ: Bạn gửi 100 triệu đồng vào ngân hàng với lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 12 tháng, tiền lãi là 6 triệu đồng.

 

Các loại lãi suất phổ biến bạn nên biết

Lãi suất được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên đặc điểm, tính chất và cách tính lãi, cụ thể gồm:

Phân theo giá trị thực của tiền lãi

Xét trên khía cạnh giá trị thực của khoản lợi nhuận từ hoạt động cho vay, lãi suất được chia thành hai dạng chính:

  • Lãi suất danh nghĩa: Là mức lãi suất do ngân hàng hoặc tổ chức tài chính công bố, chưa tính đến yếu tố lạm phát. Đây là lãi suất được sử dụng để tính toán khoản lãi trong các hợp đồng gửi tiết kiệm hoặc vay vốn.
  • Lãi suất thực (lãi suất ròng): Là phần lãi nhận được sau khi đã điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, phản ánh giá trị thực sự của khoản tiền lãi bạn nhận được hoặc phải trả. Mặc dù không được ghi rõ trong hợp đồng hay các giao dịch tài chính, lãi suất thực lại là chỉ số quan trọng được người cho vay hay các nhà đầu tư quan tâm khi đưa ra các quyết định tài chính.
lai-suat-la-gi-2.jpg

Theo giá trị thực của tiền lãi lãi suất được phân thành lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực (Nguồn: Sưu tầm)

Phân theo tính chất của khoản vay/giao dịch tài chính

Tùy theo đặc điểm của khoản vay hoặc loại hình giao dịch tài chính, lãi suất được chia thành nhiều loại, mỗi loại đóng một vai trò riêng trong hệ thống tài chính – ngân hàng. Cụ thể:

  • Lãi suất cơ bản: Là mức lãi suất tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước công bố, đóng vai trò định hướng cho các loại lãi suất khác trên thị trường. Đây là một công cụ điều hành chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát quan trọng.
  • Lãi suất tiền gửi: Là mức lãi mà ngân hàng trả cho khách hàng gửi tiết kiệm. Lãi suất này phụ thuộc vào loại hình gửi (có kỳ hạn hay không kỳ hạn), thời gian gửi và chính sách từng ngân hàng.
  • Lãi suất cho vay: Là mức lãi mà người vay phải thanh toán cho ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khi sử dụng nguồn vốn vay. Thông thường, mức lãi suất này cao hơn lãi suất tiền gửi để bù đắp chi phí hoạt động và rủi ro tín dụng của bên cho vay.
  • Lãi suất chiết khấu: Là lãi suất mà Ngân hàng Trung ương áp dụng khi cấp vốn ngắn hạn cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp thiếu thanh khoản hoặc cần hỗ trợ tạm thời.
  • Lãi suất tái chiết khấu: Là mức lãi suất được Ngân hàng Trung ương áp dụng khi mua lại các giấy tờ có giá từ ngân hàng thương mại trước thời hạn thanh toán. Đây là một trong những công cụ quan trọng để điều tiết cung tiền và hỗ trợ thị trường tài chính.
  • Lãi suất liên ngân hàng: Là lãi suất do Ngân hàng Trung ương quy định, dùng trong các giao dịch cho vay giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng. Đây là chỉ số quan trọng phản ánh cung cầu vốn và độ ổn định của hệ thống tài chính.

Phân theo tính linh hoạt của lãi suất

Khi xét theo mức độ linh hoạt trong quá trình vay vốn, lãi suất có thể được phân thành hai dạng chính:

  • Lãi suất cố định: Lãi suất cố định là mức lãi suất không thay đổi trong suốt thời gian của kỳ hạn gửi tiền hoặc khoản vay. Dù thị trường có biến động như tăng hay giảm lãi suất, người gửi hoặc người vay vẫn thanh toán/nhận lãi theo đúng tỷ lệ đã cam kết ban đầu.
  • Lãi suất thả nổi: Hay lãi suất biến đổi, là mức lãi suất có thể thay đổi định kỳ theo thời gian, thường được điều chỉnh dựa trên lãi suất thị trường hoặc lãi suất cơ bản của ngân hàng.

Phân theo cách tính lãi suất

Một cách phổ biến khác để phân loại lãi suất là dựa trên phương pháp tính lãi. Dưới đây là hai hình thức lãi suất thường gặp:

  • Lãi suất đơn: Là loại lãi suất chỉ được tính trên số tiền gốc ban đầu, không tính trên phần lãi phát sinh trong quá trình gửi hoặc vay.
  • Lãi kép: Là lãi suất được tính trên cả tiền gốc và phần lãi đã phát sinh trước đó. Qua mỗi chu kỳ, lãi mới sẽ được cộng dồn vào gốc để tiếp tục tính lãi.

 

lai-suat-la-gi-3.webp

Phân loại theo cách tính có hai hình thức là lãi suất đơn và lãi suất kép (Nguồn: Sưu tầm)

Lãi suất có vai trò gì đối với nền kinh tế?

Lãi suất đóng vai trò trung tâm trong việc điều tiết dòng chảy của tiền tệ trong nền kinh tế. Một mức lãi suất hợp lý sẽ kích thích tiết kiệm, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tiêu dùng, qua đó góp phần quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, lãi suất còn là công cụ đắc lực để các ngân hàng trung ương sử dụng trong điều hành chính sách tiền tệ. Việc điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất sẽ tạo ra những tác động dây chuyền đến thị trường tài chính, tỷ giá hối đoái, giá cả hàng hóa và mức độ đầu tư công – tư trong toàn bộ nền kinh tế.

lai-suat-la-gi-5.jpg

Lãi suất có vai trò điều tiết dòng chảy tiền tệ của nền kinh tế (Nguồn: Sưu tầm)

Lãi suất tăng hay giảm phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Sự biến động của lãi suất chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố sau đây:

  • Cung – cầu vốn vay

Lãi suất thay đổi khi cung hoặc cầu vốn vay trên thị trường biến động. Khi nhu cầu vay tiền tăng cao hoặc nguồn cung tiền giảm, lãi suất có xu hướng tăng. Ngược lại, khi nhu cầu vay tiền giảm hoặc nguồn cung tiền tăng, lãi suất có xu hướng giảm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể điều chỉnh cung tiền để kiểm soát lãi suất theo từng giai đoạn kinh tế.

Ví dụ: Thường vào cuối năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng cao để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp Tết. Điều này khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tạm thời để có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng. Ngược lại, trong các quý đầu năm, thanh khoản dồi dào, lãi suất thường có xu hướng giảm.

  • Lạm phát

Lạm phát ảnh hưởng đến lãi suất vì nó làm giảm sức mua thực tế của đồng tiền, khiến tiền gửi mất dần giá trị theo thời gian. Khi lạm phát tăng cao, người dân sẽ không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm nếu lãi suất không đủ bù đắp mức tăng giá hàng hóa. Để ứng phó, Ngân hàng Nhà nước thường điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại sẽ phải nâng lãi suất huy động để duy trì sức hút với người gửi tiền, đồng thời hạn chế dòng tiền đổ vào tiêu dùng hoặc đầu tư quá nóng – vốn là những yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát. Việc điều chỉnh lãi suất trong bối cảnh lạm phát không chỉ là công cụ kiểm soát giá cả mà còn giúp ổn định tâm lý thị trường và duy trì niềm tin vào đồng nội tệ.

Ví dụ: Trong giai đoạn cuối năm 2022, lạm phát tại Việt Nam có dấu hiệu tăng do giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí logistics leo thang. Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp (tháng 9 và tháng 10/2022), kéo theo việc các ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động, có thời điểm lên tới 9–10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

  • Ổn định kinh tế – chính trị

Khi nền kinh tế ổn định và tăng trưởng tích cực, người dân có xu hướng ưu tiên các hình thức đầu tư hoặc gửi tiết kiệm có lãi thay vì chỉ giữ tiền nhàn rỗi. Điều này làm tăng nguồn vốn sẵn có cho vay, từ đó góp phần làm giảm lãi suất và đồng thời tác động đến nhu cầu nắm giữ tiền mặt trong nền kinh tế. Ngược lại, khi kinh tế rơi vào trạng thái bất ổn hoặc tăng trưởng chậm lại, người dân có xu hướng giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro, trong khi doanh nghiệp thu hẹp nhu cầu vay vốn. Để đối phó, Ngân hàng Nhà nước thường phải điều chỉnh giảm lãi suất để kích cầu tín dụng và hỗ trợ phục hồi.

Ví dụ: Trong năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm mạnh lãi suất, đẩy lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6–12 tháng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm (chỉ còn khoảng 4–5%/năm), qua đó hỗ trợ chi phí vốn và thúc đẩy tăng trưởng.

  • Chính sách của Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước sử dụng lãi suất điều hành như một công cụ điều tiết cung tiền. Khi kinh tế cần hỗ trợ, NHNN giảm lãi suất để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Khi cần kiềm chế tăng trưởng nóng hoặc lạm phát, NHNN tăng lãi suất để giảm dòng tiền lưu thông.

Ví dụ: Trong năm 2023, khi tình hình kinh tế toàn cầu hạ nhiệt và áp lực lạm phát trong nước giảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm mạnh, từ mức trên 8% xuống còn khoảng 5,5–6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

  • Ảnh hưởng từ chính sách quốc tế

Trong nền kinh tế mở, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ, có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến lãi suất trong nước. Ví dụ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022–2023 để chống lạm phát, Việt Nam cũng chịu áp lực lớn về tỷ giá và dòng vốn đầu tư. Để ổn định tỷ giá VND/USD và hạn chế vốn rút ra khỏi thị trường, Ngân hàng Nhà nước buộc phải nâng lãi suất điều hành, dù nền kinh tế trong nước vẫn cần hỗ trợ lãi suất thấp để phục hồi.

Gửi tiết kiệm online linh hoạt, lãi suất cạnh tranh tại Ngân hàng số Cake by VPBank

Với Ngân hàng số Cake by VPBank, bạn có thể dễ dàng gửi tiết kiệm online chỉ từ 100.000 VNĐ, hoàn toàn chủ động mọi lúc, mọi nơi ngay trên ứng dụng điện thoại. Hệ thống kỳ hạn đa dạng từ 1 đến 36 tháng, cùng lựa chọn phương thức nhận lãi linh hoạt đầu kỳ, cuối kỳ, hàng tháng hoặc hàng quý giúp bạn tối ưu hóa lợi ích tài chính theo từng mục tiêu cá nhân.

Không chỉ tiện lợi, lãi suất tiết kiệm tại Cake by VPBank luôn ở mức cạnh tranh. Đặc biệt, khi mở tiết kiệm online, bạn không chỉ được hưởng lãi suất cao mà còn có cơ hội nhận thêm ưu đãi và quà tặng hấp dẫn.

Các bước gửi tiết kiệm online tại Cake by VPBank cụ thể như sau:

  • Bước 1: Đăng nhập tài khoản và chọn Tiền kiệm tại màn hình trang chủ.
  • Bước 2: Chọn Mở tài khoản tiền gửi mới.
  • Bước 3: Chọn “Tiền gửi tiêu chuẩn” hoặc “Tiền gửi tích lũy" tùy theo mục đích cá nhân.
  • Bước 4: Nhập số tiền muốn gửi, chọn Kỳ hạn và Phương thức nhận lãi. 

Đối với tiền gửi tiêu chuẩn: chọn Thời điểm nhận lãi, và Hành động sau khi hết kỳ hạn.

  • Bước 5: Chọn voucher để hưởng ưu đãi * (nếu có).
  • Bước 6: Tăng cường bảo mật tiền gửi theo hướng dẫn.
  • Bước 7: Kiểm tra lại thông tin giao dịch, thỏa thuận tiền gửi.
  • Bước 8: Bấm chọn Xác nhận giao dịch, nhập mã Smart OTP và lưu lại mã bảo mật là hoàn tất.

* Lưu ý: Ưu đãi gửi tiết kiệm có thể thay đổi tùy theo thời gian. Để biết thêm chi tiết về các chương trình khuyến mãi hiện tại, vui lòng liên hệ với chúng tôi hoặc tham khảo thông tin cập nhật trên website.

 

dao-han-tiet-kiem-la-gi.jpg

Gửi tiền tiết kiệm online nhanh chóng tại Cake by VPBank (Nguồn: Cake by VPBank)

Ngoài ra, bạn còn có thể rút trước hạn toàn phần hoặc từng phần khi cần, mà vẫn đảm bảo linh hoạt trong quản lý dòng tiền. Các bước như sau:

  • Bước 1: Truy cập mục Tiết kiệm tại trang chủ.
  • Bước 2: Chọn tài khoản tiền gửi cần rút.
  • Bước 3: Chọn “Rút tiền gửi trước hạn”.
  • Bước 4: Nhập số tiền cần rút (nếu chỉ rút một phần) hoặc chọn rút toàn bộ.

 

dao-han-tiet-kiem-la-gi.jpg

Hướng dẫn rút tiền gửi trước hạn toàn bộ/một phần tại Cake by VPBank (Nguồn: Cake by VPBank)

Nhìn chung, việc hiểu rõ lãi suất là gì sẽ giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn và tận dụng tốt các cơ hội đầu tư. Nếu bạn đang tìm kiếm một ngân hàng số với lãi suất hấp dẫn và dễ dàng sử dụng, hãy trải nghiệm ngay Cake by VPBank – giải pháp tài chính thông minh, tiện lợi mọi lúc mọi nơi!