
Room tín dụng là thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng để hiểu và nắm rõ bản chất của room tín dụng không phải ai cũng biết. Hôm nay cùng Ngân hàng số Cake khám phá chi tiết thuật ngữ này nhé!
1. Room tín dụng là gì?
Room tín dụng hay còn gọi là room ngân hàng là hạn mức cho vay của một ngân hàng. Hạn mức cho vay của ngân hàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định hàng năm. Hạn mức này sẽ được áp dụng cho toàn ngành Ngân hàng.
Ngoài “room tín dụng”, chúng ta còn thường nghe thuật ngữ “cạn room tín dụng” hoặc hết room tín dụng. Thuật ngữ này dùng để chỉ việc room đã sử dụng hết giới hạn tín dụng mà NHNN đã quy định trước đó. Lúc này ngân hàng không thể tiếp tục cho vay. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của ngân hàng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay tín dụng.
2. Vì sao NHNN phải áp room tín dụng cho mỗi ngân hàng?
Việc NHNN quy định về hạn mức room tín dụng nhằm 2 mục tiêu:
2.1. Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng
Quy định về hạn mức room tín dụng để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là điều quan trọng. Bởi nếu mức tăng trưởng tín dụng quá nóng thì sẽ vượt quá khả năng quản trị của các ngân hàng thương mại và dẫn đến việc mất cân bằng vốn, không có khả năng thanh toán, nguy cơ lạm phát tăng.
2.2. Kiểm soát chất lượng mức tín dụng
Khi bị giới hạn tín dụng bởi NHNN, các ngân hàng sẽ chọn lọc khách hàng/tổ chức/doanh nghiệp cho vay một cách kỹ càng hơn. Từ đó, giảm tỷ lệ nợ xấu cũng như hạn chế sự tăng trưởng quá nóng của tín dụng.
3. NHNN phân bổ room tín dụng như thế nào?
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/1/2022 gồm những điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.
Con số 14% là mục tiêu định hướng dựa trên các yếu tố:
- Mức tăng trưởng tín dụng thực tế năm 2021 là khoảng 13,61% so với 12,17% năm 2020.
- Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 dự kiến khoảng 6,5%.
- Lạm phát dự kiến khoảng 4% và dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 34/2021/QH15.
Căn cứ theo định hướng tăng trưởng tín dụng 14%, NHNN đã phân bổ mức tăng trưởng tín dụng 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên hai cơ sở chính:
- Thứ nhất, mức phân bổ được xác định theo đánh giá hoạt động của từng tổ chức tín dụng dựa trên các tiêu chí và cách tính điểm chi tiết tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.
- Thứ hai, dựa trên một số yếu tố cụ thể hóa chính sách của Chính phủ và NHNN.
Vào tháng 12/2022, NHNN chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 – 2%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 – 16% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ phân bổ cho từng ngân hàng chưa được NHNN công bố.
Tóm lại, room tín dụng là công cụ rất hữu ích đối với việc kiểm soát sự tăng trưởng tín dụng. Hiểu rõ room tín dụng sẽ giúp bạn hiểu hơn về kinh tế vĩ mô nói chung và vay vốn tại ngân hàng nói riêng. Theo dõi Tiệm Cake để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích từ Cake nhé!