
Phần lớn sinh viên chưa có nguồn thu nhập cố định hàng tháng (tiền lương) và vẫn còn phụ thuộc vào gia đình chu cấp mỗi tháng, nhưng không có nghĩa là sinh viên không cần quản lý chi tiêu và lên kế hoạch tài chính cá nhân. Hôm nay Trợ lý Gato sẽ hướng dẫn cho bạn 6 bước xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả nhé!
Xây dựng một kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý sẽ giúp sinh viên tối ưu nguồn tài chính từ gia đình cũng như các khoản thu nhập làm thêm (nếu có), từ đó cho phép bạn sống một cuộc sống thoải mái mà vẫn có được một khoản tích cóp.
Bạn có thể lập kế hoạch tài chính cá nhân ngay từ hôm nay với 6 bước sau:
Bước 1: Tổng kết lại tất cả các chi tiêu
Bao gồm tổng kết lại tất cả các khoản chi tiêu của bản thân trong một tháng như tiền nhà, tiền ăn, các hóa đơn điện/nước/wifi/điện thoại, tiền ăn uống… Bạn hãy tổng kết càng chi tiết càng tốt và nên tổng kết ít nhất 2 – 3 tháng chi tiêu gần nhất để xác định mức chi tiêu trung bình hàng tháng.
Tổng kết các loại chi phí chi tiêu trong tháng sẽ giúp bạn dễ dàng điều chỉnh mức chi tiêu phù hợp với thu nhập, từ đó điều chỉnh bảng kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp cũng như tối ưu dòng tiền của mình một cách hiệu quả.
Bước 2: Tính thu nhập của bạn
Sinh viên hoặc người trẻ mới đi làm thường chỉ có một nguồn thu nhập từ công việc cố định. Bạn hãy tính lại mức thu nhập hàng tháng của mình – là khoản thực nhận sau khi đã trừ hết các loại thuế, phí và ghi lại chúng.
Nếu bạn có thêm các nguồn thu nhập khác cũng ghi lại cụ thể như thu nhập từ việc làm thêm (freelance), thu nhập từ việc kinh doanh bên ngoài…Đối với bạn có thu nhập không có định, thì hãy lựa chọn tháng có thu nhập thấp nhất trong năm qua để thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân nhé.
Bước 3: Liệt kê khoản chi tiêu cơ bản trong tháng
Bước tiếp theo để xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân là liệt kê các khoản chi tiêu chính trong tháng. Nhu cầu chi tiêu của mỗi người là khác nhau và sẽ các khoản chi tiêu khác nhau. Thông thường, các khoản chi tiêu cơ bản của mỗi người sẽ có các khoản:
- Tiền thuê nhà.
- Chi phí ăn uống.
- Chi phí đi lại.
- Chăm sóc cá nhân, bảo hiểm.
- Khoản đầu tư – tiết kiệm.
- Khoản giải trí – tiện ích.
- Khoản chi cho phát triển bản thân (mua sách vở, đăng ký khóa học…).

Bước 4: Phân loại các khoản chi phí
Dựa trên các khoản chi tiêu bạn đã liệt kê ở bước 3, bạn tiếp tục phân loại các khoản chi phí thành 2 loại: Khoản chi phí cố định và khoản chi phí thay đổi.
- Khoản chi phí cố định là những khoản bạn bắt buộc phải trả cùng một số tiền vào mỗi lần như tiền thuê nhà, tiền Điện/Nước/Internet, tiền học…
- Khoản chi phí không cố định có thể biến đổi hàng tháng như: tiền ăn uống, tiền đi lại, tiền giải trí – du lịch… Số tiền này bạn có thể kiểm soát được tùy vào nhu cầu của mình.
Trường hợp đang mắc nợ hoặc đang có kế hoạch tiết kiệm – đầu tư, bạn có thể cho các khoản này vào khoản chi phí cố định nhé. Còn các khoản chi tiêu mà bạn thanh toán bằng thẻ, tránh việc quẹt không kiểm soát thì chỉ nên dành ra một số tiền nhất định trong tài khoản đó.
Tiếp theo, bạn phải sắp xếp các khoản chi phí của mình vào từng mục trong bảng kế hoạch tài chính với thứ tự ưu tiên lần lượt là các khoản chi phí cố định bắt buộc phải chi đến các khoản chi phí không cố định.
Bước 5: Tổng kết lại thu nhập và chi phí hàng tháng
Khi thực hiện đến bước thứ 4, bạn gần như đã có cái nhìn tổng quát về thu nhập cũng như chi phí hàng tháng của chính bản thân mình. Nếu nguồn thu nhập của bạn đang cao hơn chi phí chi tiêu hàng tháng thì xin chúc mừng, bạn đã có một khởi đầu xây dựng ngân sách cá nhân khá tốt. Bạn có thể lên kế hoạch cho khoản tiền này để đầu tư – tiết kiệm cho tương lai. Và nếu mức chi tiêu của bạn đang vượt thu nhập thì phải điều chỉnh chi tiêu của mình ngay.
Bước 6: Điều chỉnh các khoản chi tiêu
Nếu thu nhập của bạn đang hụt so với chi phí thì ngay bây giờ hãy cân đối lại chi tiêu của mình. Bạn hãy cắt bớt các khoản chi tiêu không cần thiết trong khoản chi phí không cố định như tiền ăn uống với bạn bè, tiền mua sắm, giải trí… Mục tiêu là cân đối lại thu nhập và các khoản chi mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Trường hợp bạn đang gánh các khoản nợ thì việc cắt giảm chi tiêu trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân càng quan trọng hơn cả. Bạn phải lên kế hoạch để làm sao tăng thu nhập, đồng thời cắt giảm chi tiêu không cần thiết trong một khoản thời gian.
Một bảng kế hoạch tài chính cá nhân phù hợp với bản thân sẽ giúp bạn vượt qua các khó khăn cũng như sớm đạt được tự chủ tài chính. Để bảng kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả, bạn nên:
- Tạo thói quen theo dõi các khoản thu nhập, khoản chi của mình mỗi tháng.
- Tính toán các chi phí cơ bản và thu nhập của mình.
- Cân đối chi tiêu sao cho phù hợp nhất, nếu khoản nào chi tiêu vượt quá hạn mức thì có thể lấy khoản khác bù qua làm sao để không bị vượt quá chi phí trong bảng kế hoạch tài chính cá nhân.
Đọc thêm:
- Những sai lầm trong chi tiêu khiến người trẻ luôn trong tình trạng “trỗng túi”
- Nguyên tắc vàng trong quản lý tài chính cá nhân dành cho người trẻ
Là một sinh viên, mặc dù thu nhập chưa ổn định và còn phụ thuộc vào gia đình nhưng tạo thói quen quản lý chi tiêu và xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân hàng tháng sẽ giúp bạn trẻ có cuộc sống dễ dàng hơn trong tương lai. Đừng quên theo dõi Ngân hàng số Cake by VPBank để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về tài chính cá nhân nhé!