Những sai lầm trong quản lý chi tiêu của người trẻ khiến họ lúc nào cũng rơi vào tình trạng “rỗng túi”

cake_quynhho
01/05/2022

Có phải đang gặp phải tình trạng không biết tiền lương của mình đã đi đâu và luôn cảm thấy “không tiêu gì cũng hết tiền”? Có phải bạn luôn áp lực vì khoản thu nhập của mình không đủ cho nhu cầu cuộc sống? Rất có thể bạn đang mắc phải những sai lầm trong quản lý chi tiêu mà người trẻ thường gặp phải sau đây!

Không có kế hoạch phân bổ chi tiêu hàng tháng

Chia nguồn thu nhập mỗi tháng thành từng quỹ nhỏ sẽ giúp bạn quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Nguồn ảnh: Internet

Quản lý tài chính cá nhân rất quan trọng nhưng có rất nhiều người trẻ vẫn còn xem nhẹ vấn đề này. Chúng ta thường không có hoặc không quan tâm đến kế hoạch quản lý chi tiêu hàng tháng của mình, dẫn đến tài chính luôn bị “thiếu trước hụt sau”.

Để ổn định và tối ưu hóa nguồn tài chính cá nhân, bạn nên thiết lập kế hoạch chi tiêu mỗi tháng theo nguyên tắc 50 – 30 – 20. Cụ thể, thu nhập hàng tháng của bạn nên chia thành 3 nhóm:

  • 50% thu nhập dành cho các khoản chi tiêu thiết yếu gồm tiền thuê nhà, tiền đi lại, tiền mua sắm thực phẩm và thanh toán các hóa đơn.
  • 30% thu nhập dành cho các chi tiêu cá nhân.
  • 20% thu nhập dành cho việc tiết kiệm, trả nợ hoặc đầu tư.

Mua sắm chỉ để giải tỏa nỗi buồn

Nhiều người trẻ xem việc mua sắm là thú vui giải tỏa áp lực, giải quyết nỗi buồn. Trên thực tế, việc mua sắm trong lúc tâm trạng bất ổn chỉ làm hao hụt tài chính của bạn, trong khi nhiều món đồ bạn mua sẽ không bao giờ dùng đến, thậm chí bạn còn không biết bạn đặt mua nó khi nào. Hãy lên kế hoạch mua sắm vào mỗi tháng hoặc dành ra một khoản tiền cố định dành cho việc chi tiêu nhé!

Chạy theo những sở thích của người khác

Thấy bạn bè mới “tậu” iPhone mới ra bạn liền sắm ngay cho bằng bạn bằng bè. Khi đi chơi thấy bạn bè diện quần áo hiệu, đồ công nghệ mới thì bạn cũng muốn sắm ngay cho bằng được. Có nhiều người còn sẵn sàng vay nợ để mua sắm được những món đồ giống bạn bè mình.

Bạn thấy đấy, việc chạy theo món đồ, sở thích của người khác chỉ khiến chúng ta rơi vào “túng quẫn” và không thể kiểm soát được tài chính của bản thân. Tốt hơn hết, mỗi người nên biết giới hạn của mình. Không nên vay nợ để bắt chước lối sống của bất kỳ ai và hãy trở thành người trẻ có lối sống chi tiêu thông minh ngay từ bây giờ nhé!

Mắc bẫy “săn sale” mỗi tháng

Mua sắm những đợt sale lớn tưởng chừng tiết kiệm nhưng lại khiến bạn tốn tiền một cách không kiểm soát. Nguồn ảnh: Internet

Một trong những thói quen sai lầm khiến nhiều người trẻ “rỗng túi” vào cuối tháng đó là chạy theo các đợt sale khủng của các sàn thương mại điện tử. Chúng ta cho rằng mua sắm vào những đợt sale với niềm tin rằng, mua sắm thời điểm đó sẽ tiết kiệm một khoản đáng kể.

Nhưng thực tế, bạn sẵn sàng mua nhiều hơn những món đồ bạn thực sự có nhu cầu chỉ vì nó đang sale. Tâm lý ham rẻ, sẵn sàng bỏ tiền mua những món đồ bạn thực sự không cần dùng đến khiến bạn tốn tiền, mất kiểm soát trong chi tiêu và dẫn đến trạng lúc nào cũng không biết mình đã tiêu gì mà hết tiền.

Không có “quỹ dự phòng” cho riêng mình

Hầu hết người trẻ chúng mình thường có suy nghĩ đến đâu hay đến đó. Cho nên, chúng ta sẵn sàng tiêu hết số tiền bạn kiếm được mỗi tháng vào những sở thích cá nhân mà không lường trước được các rủi ro như nợ nần, thất nghiệp, bệnh tật…

Lời khuyên dành cho những người trẻ đó là hãy tạo lập quỹ dự phòng ít nhất 3 – 6 tháng dựa trên chi tiêu cơ bản, cất vào một tài khoản riêng và chỉ sử dụng cho trường hợp bất trắc. Đó là cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả mà những người trẻ nên áp dụng càng sớm càng tốt.

Không đầu tư từ sớm

Nhiều người trẻ còn xem nhẹ việc đầu tư. Họ cho rằng, còn trẻ nên hưởng thụ hơn là tiết kiệm và đầu tư. Điều này thật sự sai lầm. Đầu tư là cách tối ưu hóa dòng tiền của bản thân. Đầu tư càng sớm thì bạn càng thu được nhiều lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của mình.

Có hai cách đầu tư: Đầu tư cho bản thân – nghĩa là sử dụng một khoản tài chính đầu tư vào kiến thức, sách vở, các khóa học; và đầu tư tài chính – tham gia vào thị trường đầu tư chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… Hãy đầu tư càng sớm càng tốt bạn nhé!

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả càng sớm càng tốt sẽ giúp người trẻ chúng ta chủ động hơn trong việc chi tiêu, từ đó dễ dàng làm chủ cuộc sống, tránh rơi vào “bẫy lạm phát chi tiêu”. Lên kế hoạch chi tiêu khoa học để làm chủ cuộc sống ngay từ bây giờ bạn nhé!