
Khái niệm tài sản, tiêu sản khá quen thuộc trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Vậy tài sản và tiêu sản là gì? Cùng Ngân hàng số Cake tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
Khái niệm cơ bản
Tài sản là gì?
Tài sản được hiểu là những thứ bạn bỏ tiền ra mua, mà trong tương lai có thể sinh lời và tăng giá trị sở hữu so với chi phí ban đầu bỏ ra. Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, tài sản sẽ bao gồm động sản (tài sản có thể chuyển dịch mà vẫn giữ nguyên tính năng, công dụng) và bất động sản.
Ví dụ về tài sản:
- Bất động sản (nhà ở, đất đai)
- Cổ phiếu, trái phiếu
Tiêu sản là gì?
Tiêu sản là những thứ mà bạn mua bằng tiền và sẽ bị giảm giá trị theo thời gian hoặc phát sinh thêm chi phí trong quá trình sở hữu như chi phí bảo trì, chăm sóc, sửa chữa… Tiêu sản có thể mang lại thu nhập nhưng không bằng giá trị ban đầu.
Ví dụ về tiêu sản:
- Điện thoại, ô tô, quần áo, túi xách…
- Các khoản nợ tín dụng
Sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản
Tài sản và tiêu sản đều cần bỏ tiền ra mua để sở hữu nhưng sẽ khác nhau rõ ràng về giá trị trong tương lai sau khi sở hữu. Hầu hết tiêu sản sẽ mất giá trị sau khi mua, thời gian càng lâu thì giá trị đó càng thấp. Còn tài sản sẽ có giá trị tăng dần theo thời gian.
Tuy nhiên, có một số trường hợp tiêu sản sẽ trở thành tài sản khi biết cách sử dụng chúng. Ví dụ như bạn mua một chiếc xe ô tô và dùng chiếc xe đó đi kinh doanh (cho thuê, chạy grab), nếu lợi nhuận thu về cao hơn chi phí sửa chữa, hao mòn của chiếc xe thì nó sẽ trở thành tài sản.
Vậy có nên mua tiêu sản hay không?
Tiêu sản không mang lại tiền, lợi nhuận trong tương lai, nhưng trong cuộc sống chúng ta không thể không mua tiêu sản để phục vụ nhu cầu cuộc sống như quần áo, đồ ăn, nhu cầu giải trí…
Chỉ có điều, bạn cần kiểm soát tiêu sản mình sở hữu. Hãy xác định nhu cầu và giá trị thực sự để sở hữu tiêu sản. Song song đó, bạn nên tích lũy nguồn vốn để có thể sở hữu những tài sản phù hợp.