
Thời gian gần đây, trong bối cảnh tình hình gian lận diễn biến phức tạp, đã xuất hiện nhiều thủ đoạn gian lận mới nhằm đánh cắp thông tin thẻ, thông tin giao dịch, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của Khách hàng.
Trong đó, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng một số hình thức phổ biến như sau:
1. Chiếm đoạt sim điện thoại
Mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G/5G qua điện thoại. Sau đó đối tượng hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi nhưng thực tế đây là yêu cầu chuyển đổi từ sim 3g do khách hàng sử dụng lên sim 4G của đối tượng lừa đảo.
Nếu khách hàng làm theo, đối tượng sẽ đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Nếu số điện thoại này được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhận OTP, thông tin giao dịch thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng
Cảnh báo: Các cuộc gọi giả danh nhà mạng chuyển đổi sim của Khách hàng thành 4G/5G đều nhằm chiếm đoạt tài khoản của Khách hàng
2. Mạo danh nhân viên ngân hàng, cán bộ cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo
- Các đối tượng mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án,… gọi điện cho người dân thông báo phạm tội (liên quan đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy, gây tai nạn bỏ trốn, phạt nguội vi phạm giao thông,…), đồng thời khai thác thông tin cá nhân của nạn nhân để làm giả lệnh bắt giữ, khởi tố của cơ quan công an, cơ quan điều tra để đe dọa nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp, hoặc cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng để phục vụ điều tra, từ đó các đối tượng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.
- Giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ rút tiền thẻ tín dụng lãi suất thấp, hỗ trợ kiểm tra giao dịch,… của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số thẻ đầu tiên, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại và mã bảo mật sau thẻ (CVV) để xác định khách hàng đúng là chủ thẻ, sau đó đối tượng thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (OTP). Thực chất đối tượng đã sử dụng thông tin thẻ và mã OTP khách hàng cung cấp để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm lấy cắp tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.
Cảnh báo:
- Mọi yêu cầu/cuộc gọi cung cấp thông tin cá nhân và thông tin bảo mật của Khách hàng như: tên đăng nhập (User), mật khẩu (Password), OTP, mã PIN, số thẻ, mã bảo mật (CVC2), …đều là lừa đảo.
- Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, viện kiểm soát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng hay điện thoại
3. Lừa đảo qua các mạng xã hội
- Kẻ gian lấy hình ảnh của người dùng trên mạng xã hội để lập tài khoản Zalo, Facebook có tên và hình ảnh của người dùng (gọi là A), đồng thời làm Chứng minh nhân thân giả mạo mở tài khoản trùng tên với Khách hàng A này tại Ngân hàng, sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân trong danh sách để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản
- Chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của người bị hại, sau đó tạo ra các kịch bản nhắn tin lừa đảo mượn tiền đến danh sách bạn bè của người bị hại; hoặc kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị,…yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan nhằm chiếm đoạt tiền; hoặc gửi tin nhắn qua Facebook, Zalo, Viber… thông báo trúng thưởng và đề nghị nộp phí để nhận thưởng.
Cảnh báo:
- Không tiết lộ các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản trên các trang mạng xã hội.
- Xác thực thông tin người nhận, người giao dịch với mình trước khi thực hiện giao dịch.
4. Tấn công mạng, lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thông tin bảo mật của khách hàng
- Đối tượng lập website, dịch vụ trực tuyến mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc, khảo sát về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu thập thông tin cá nhân (chứng minh nhân thân), lịch sử giao dịch, và tài khoản ngân hàng nhằm giả mạo khách hàng thực hiện giao dịch với ngân hàng
- Đối tượng dùng thiết bị phát sóng di động để gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu của Ngân hàng mà không thông qua nhà mạng, hoặc gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng để thông báo thông tin và dẫn dụ khách hàng truy cập vào tệp (file) hoặc đường link chứa mã độc gửi kèm trong tin nhắn/thư điện tử nhằm để lấy cắp thông tin cá nhân (thông tin số thẻ, mã bảo mật (CVC2), mã OTP, tên đăng nhập (user), mật khẩu (password), OTP) của khách hàng. Thủ đoạn thường dùng trong tin nhắn/thư điện tử gửi khách hàng là: (i) thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu, (ii) tài khoản khách hàng đang bị khóa hoặc đã đăng nhập ở thiết bị khác và yêu cầu khách hàng xác nhận thông tin, (iii) có người chuyển tiền nhầm vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả,….
Cảnh báo:
- Nhận diện Website an toàn, URL bắt đầu bằng https://, và chỉ giao dịch tại các Website an toàn.
- Cake không yêu cầu khách hàng truy cập đường link, tệp (file) dưới bất kỳ hình thức nào và không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật trong bất kỳ tình huống nào (mã OTP)
- Quý khách vui lòng không cung cấp thông tin bảo mật như: mật khẩu truy cập, số thẻ, mã PIN, số CVV, mã giao dịch OTP cho bất kỳ ai và dưới bất cứ hình thức nào.
5. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động thương mại điện tử
- Các đối tượng mở các trang cá nhân bán hàng, đặt hàng online, sau đó quảng cáo, rao bán các mặt hàng, yêu cầu bị hại chuyển khoản đặt cọc. Sau khi nhận cọc hay được chuyển khoản trước để đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, hàng kém chất lượng, chúng thường khóa trang mạng của mình hoặc xóa hẳn để xóa dấu vết, bỏ số điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bị hại.
- Kè lừa đảo tuyển cộng tác viên thực hiện mua hàng như không nhận hàng với lý do để làm tăng tỷ lệ tương tác của sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử như: Shoppe, Lazada, Tiki…Khi bắt đầu, các đối tượng gửi link mua hàng và yêu cầu Khách hàng thanh toán/ chuyển khoản số tiền mua hàng cho người bán, sau đó đối tượng sẽ chuyển lại số tiền đã thanh toán/tiền chiết khấu/ hoa hồng cho Khách hàng như đã thỏa thuận. Sau một thời gian nhận được sự tin tưởng của Khách hàng. Các đối tượng sẽ yêu cầu thanh toán một số tiền mua hàng lớn nhưng không chuyển lại nữa để chiếm đoạt số tiền này
Cảnh báo: Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ, cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
6. Lôi kéo mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền trong Chương trình khuyến mại/ rửa tiền
- Thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo (sàn vàng, ngoại tệ, bất động sản) do đối tượng tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch để chiếm đoạt tiền đầu tư
- Kẻ gian lận thuê các đối tượng mở tài khoản tại ngân hàng sau đó dùng tiền hoa hồng để mua bán lại tài khoản của các đối tượng này, hoặc thuê giấy tờ tuỳ thân của các đối tượng để mở tài khoản tại Ngân hàng nhằm chiếm dụng các chương trình khuyến mãi/ thực hiện giao dịch rửa tiền, từ đó ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm của Khách hàng và Khách hàng sẽ bị Ngân hàng hạn chế/ từ chối cung cấp dịch vụ sau này
Cảnh báo: Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
7. Lôi kéo, dụ dỗ mở tài khoản đầu tư tiền ảo, ngoại hối (hay còn gọi là forex)
Vài năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo, ngoại hối (hay còn gọi là forex) là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người chú ý. Tuy nhiên, các hoạt động này hoàn toàn tự phát và chưa được Nhà nước cho phép.
Theo khoản 20 Điều 4 Pháp lệnh Ngoại hối 2005, bổ sung bởi Điều 1 Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013, các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại Việt Nam và ngân hàng chi nhánh ở nước ngoài chỉ được kinh doanh ngoại hối ở Việt Nam. Còn đối với tiền ảo, Nhà nước Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền ảo nào là đơn vị thanh toán tại Việt Nam cả. Do đó, việc kinh doanh, giao dịch, đầu tư tiền ảo là bất hợp pháp.
Bên cạnh không được pháp luận công nhận, đầu tư tiền ảo còn chứa nhiều rủi ro, thậm chí có nguy cơ mất trắng vì lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng về sự nhẹ dạ cả tin, đánh vào lòng tham với các lời mời gọi đầu tư như đầu tư nhân đôi tài khoản, đầu tư chắc chắn thắng…
Hãy tránh xa các lời mời gọi tham gia đầu tư tiền ảo và nên lựa chọn hình thức đầu tư hợp pháp về mặt pháp lý, phù hợp với kiến thức, nhu cầu và nguồn vốn của bản thân bạn nhé!
Mọi thắc mắc, khách hàng vui lòng liên hệ qua Hotline – 1900636686 hoặc gửi email tới chat@cake.vn để khiếu nại hoặc được hỗ trợ giải đáp.